Đa dạng sinh học (Biodiversity) là gì? Hiện trạng và biện pháp bảo vệ
Nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2020 với chủ đề "Các giải pháp của Chúng ta sẵn có ở thiên nhiên"
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm gửi tới mọi người một bài viết về " ĐA DẠNG SINH HỌC"
Đa dạng sinh học (Biodiversity) là gì? Hiện trạng và biện pháp bảo vệ
Đa dạng sinh học (tiếng Anh: Biodiversity) là một từ khái quát để chỉ về các giống loài khác nhau trong tự nhiên. Hiện trạng suy giảm đa dạng sinh học là một trong những vấn đề môi trường toàn cầu cần chú ý.
Đa dạng sinh học
Khái niệm
Đa dạng sinh học trong tiếng Anh gọi là: Biodiversity.
Đa dạng sinh học là một từ khái quát để chỉ về các giống loài khác nhau trong tự nhiên. Các giống loài này bao gồm thực vật, động vật, vi sinh vật, các hệ sinh thái và các quá trình sinh thái mà các loài trên là một bộ phận trong đó.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 30 triệu giống loài sinh vật. Giữa các giống loài có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
Ví dụ: thực vật biến đổi năng lượng mặt trời thành thức ăn cho động vật nhưng ngược lại thực vật cũng nhờ động vật như hoa nhờ ong chuyển phấn hoa…; loài này là thức ăn của loài kia…
Thực vật, động vật và vi sinh vật có gien di truyền và những thông tin chứa trong các gien này là những thông tin hữu ích đối với sự phát triển thuốc trừ vật hại thiên nhiên, các loại động, thực vật có sức đề kháng cao.
Số lượng các loài khác nhau đo lường sự đa dạng giống loài. Trạng thái muôn vẻ của môi trường cư trú, cộng đồng sinh vật và tiến trình sinh thái được gọi là sự đa dạng sinh thái.
Hoạt động của con người đã làm cho tốc độ tuyệt chủng các giống loài tăng nhanh. Con người săn bắt, khai thác bừa bãi các loài thú, rừng, hay sự xuất hiện quá mức của các giống loài làm ảnh hưởng đến các loài khác (ốc bươu vàng ở Việt Nam, Philippines; hoa trinh nữ, bèo Nhật Bản, thỏ ở Úc…
Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) ước tính có khoảng 22 triệu loài động vật. Trong đó có 1,5 triệu loài đã được mô tả; 7 triệu có nguy cơ tuyệt chủng trong khoảng 30 năm tới; 3/4 loài chim trên thế giới đang suy tàn; 1/4 loài có vú có nguy cơ bị tiêu diệt.
Trong nông nghiệp, mỗi năm mất đi một số giống cây trồng, trong đó có những giống được mô tả trong các bộ sưu tập các tư liệu di truyền. Vì vậy, giữ gìn môi trường sống và bảo tồn giống loài đã trở thành vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay.
Nguyên nhân giảm sự đa dạng sinh học
− Kĩ thuật canh tác hiện đại
− Nạn phá rừng
− Sự hủy hoại môi trường sống ở những vùng đầm lầy và trên đại dương
Biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học
Các nước đang phát triển nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên sự đa dạng sinh học khá phong phú, do đó áp lực bảo vệ sự đa dạng sinh học lớn.
Bảo tồn sự đa dạng sinh học có thể thực hiện theo 2 cách chính:
- Đặt ra những giới hạn trong việc sử dụng môi trường cư trú. Ví dụ: tuyên bố những khu vực là "công viên quốc gia" hay "khu di tích".
- Khuyến khích sự sử dụng một cách bền vững. Lên danh sách các tài nguyên một vùng, xác định những giống loài ưu tiên phải bảo vệ để có thể quyết định việc khai thác như thế nào để trữ lượng của chúng không giảm đi.
Tại "cuộc họp cấp cao về trái đất" năm 1992 ở Rio, công ước về đa dạng sinh vật được 169 nước phê chuẩn.
Do các nước đang phát triển có sự đa dạng sinh học rất phong phú.
Người ta nhất trí rằng các nước giàu phải trả cho các nước nghèo nhiều hơn thông qua Tổ chức Môi trường thế giới để các nước nghèo bảo tồn sự đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm cho các vùng nước thuộc quốc tế, kiểm soát việc thải chất dioxit carbon, chống phá rừng và sa mạc hóa…
Khi thực hiện bảo tồn cần phải tính đủ chi phí cơ hội của việc bảo tồn để thấy rõ lợi ích và chi phí. Qui luật cơ bản để bảo tồn như sau:
(Bc – Cc) > ( Bd – Cd)
Bc: lợi ích khi có bảo tồn
Cc: chi phí bảo tồn
Bd: lợi ích nếu không thực hiện bảo tồn
Cd: chi phí nếu không bảo tồn
Bd – Cd: chi phí cơ hội của việc bảo tồn, có nghĩa là giá trị phải đánh đổi nếu thực hiện bảo tồn
Thực tế Bd cao hơn vì các chương trình có thể được trợ cấp hay khuyến khích bằng các chính sách như trợ giá sản phẩm, miễn thuế, tín dụng lãi suất ưu đãi, trợ giá máy móc phân bón, thủy lợi… trong khi hoạt động bảo tồn thường không được trợ giá.
Sự bảo tồn đa dạng sinh học phải đối phó với sự cạnh tranh không công bằng, điều đó giải thích vì sao sự đa dạng sinh học ngày càng giảm.
Giải pháp cho vấn đề này là phải ban hành các giới hạn thương mại đối với những giống loài quí hiếm, phạt nặng những trường hợp vi phạm. Ví dụ: ngăn cấm đánh bắt cá bằng chất xyanua là cách bảo vệ san hô.
Nguồn: https://vietnambiz.vn/
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển - TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh - ThS. Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)