0251.8820.775 - 0251. 8820.511
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum

Trong thời gian vừa qua, các phương tiện báo đài thông tin một số người sử dụng thực phẩm Paté chay đã bị ngộ độc do trong thực phẩm này có chứa độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum. Việc nhiễm độc tố của vi khuẩn này gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, liệt toàn thân, và nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vậy ngộ độc Botulinum là gì? Triệu chứng ra sao? Cách điều trị và phòng bệnh như thế nào? Trong bài viết này chúng tôi xin được cung cấp một số thông tin cơ bản để mọi người biết cách phòng bệnh. 

Ngộ độc botulinum là gì?

 Ngộ độc botulinum là bệnh gây liệt cơ tuy hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng gây ra bởi một chất độc thần kinh, sản xuất chủ yếu bởi vi khuẩn Clostridium botulinum và đôi khi bởi  những dòng vi khuẩn Clostridium butyricum và Clostridium baratii. Con người có thể bị nhiễm độc bới các cách thức sau: Ngộ độc qua thực phẩm chứa độc tố hoặc nha bào của vi khuẩn. Ngộ độc qua vết thương nhiễm khuẩn Clostridium botulinum, chúng tiết ra độc tố gây bệnh. Hoặc ngộ độc botulinum bởi nhân viên y tế có thể xảy ra khi sử dụng quá liều độc tố botulinum (thường dùng trong thẩm mỹ).

Tất cả các dạng ngộ độc botulinum có thể tử vong và được xem là tình trạng cấp cứu. Ngộ độc botulinum qua thực phẩm là một tình trạng cấp cứu về sức khỏe cộng đồng vì nhiều người có thể ngộ độc khi ăn phải một loại thực phẩm nhiễm độc. Ở Mỹ, có khoảng 145 trường hợp ngộ độc botulinum mỗi năm. Trong những trường hợp này, có khoảng 15% là qua thực phẩm, 65% xảy ra ở trẻ em và 20% qua vết thương.

Vi khuẩn Clostridium botulinum

Botulinum gây bệnh như thế nào?

Clostridium botulinum là vi khuẩn có hình que, kị khí (sống trong môi trường không có hoặc rất ít oxy), có thể di động và sinh nha bào (thể ngủ, tổn tại được trong điều kiện khắc nghiệt về thời tiết, khí hậu). Bình thường vi khuẩn này có thể tồn tại trong đất ẩm, sống chủ yếu bằng cách phân hủy chất hữu cơ, một ít sống trong ruột các loài động vật.

Hầu hết các trường hợp ngộ độc botulinum qua thực phẩm là kết quả của những sản phẩm đóng hộp tại gia không đúng cách, đặc biệt là thực phẩm với hàm lượng acid thấp, như măng tây, đậu xanh, củ dền, và bắp, thịt hộp. Đóng hộp kín tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi của vi khuẩn này để chúng sinh độc tố, tạo nha bào hòa lẫn trong thực phẩm. Người ăn nuốt phải độc tố này có thể sinh ra bệnh

Ngộ độc botulinum vết thương thường xảy ra do nhiễm trùng vết thương từ đất hay cát sỏi hay từ gãy xương hở mà không được điều trị kháng sinh đúng cách.

Ngộ độc botulinum trẻ em xảy ra khi trẻ ăn uống phải nha bào của vi khuẩn, sau đó sinh sôi trong ruột, hơn là từ việc ăn uống phải độc tố đã hình thành. Đã có các trường hợp được báo cáo  do sử dụng mật ong uống hoặc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh.

Ngộ độc botulinum không truyền từ người sang người.

 Triệu chứng của ngộ độc botulinum:

Triệu chứng cổ điển của ngộ độc botulinum bao gồm nhìn đôi, nhìn mờ, sụp mí, nói ngọng, nuốt khó, khô miệng, và yếu cơ.

Trẻ em bị ngộ độc botulinum nhìn rất mệt mỏi, ăn (bú) kém, táo bón, khóc yếu và trương lực cơ giảm. Tất cả những triệu chứng này đều là biểu hiện của liệt cơ gây ra bởi độc tố vi khuẩn. Nếu không điều trị, những triệu chứng này có thể tiến triển thành yếu liệt cơ hô hấp, tay, chân và toàn thân.

Trong ngộ độc botulinum thực phẩm, triệu chứng thường khởi đầu 18 đến 36 giờ sau khi ăn uống thực phẩm nhiễm khuẩn, nhưng cũng có thể xuất hiện sớm sau 6 giờ hoặc muộn sau 10  ngày. Nếu bệnh trầm trọng, cơ hô hấp cũng bị tổn thương dẫn đến suy hô hấp và tử vong trừ khi được hỗ trợ hô hấp, thở máy.

Chẩn đoán ngộ độc botulinum như thế nào?

Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng gợi ý ngộ độc botulinum. Yếu tố gia đình, người sử dụng chung bị các biểu hiện tương tự cũng góp phần hướng đến chẩn đoán.

Một số trường hợp có thể tìm thấy vi khuẩn trong thực phẩm đã sử dụng bằng các kỹ thuật nuôi cấy, hoặc khuếch đại gien (PCR).

Các phương pháp tìm độc tố trong phân, dịch dạ dày, vết thương, máu, thực phẩm nghi nhiễm khuẩn có thể giúp chẩn đoán bệnh. 

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác:

Những bệnh lý khác như hội chứng Guillain-Barré, đột quỵ và nhược cơ có thể biểu hiện giống như ngộ độc botulinum, do vậy cần làm các xét nghiệm chuyên biệt để loại trừ những tình trạng này. Bao gồm chụp cắt lớp não, xét nghiệm dịch tủy não tủy, xét nghiệm dẫn truyền thần kinh, và xét nghiệm trương lực cơ dành cho bệnh nhược cơ.

Điều trị ngộ độc botulinum như thế nào?

Điều trị đặc hiệu: Thuốc kháng độc tố nên được dùng càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán lâm sàng. Dùng thuốc sớm có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong. Thuốc có vai trò trung hòa các độc tố chưa gắn lên tế bào thần kinh, việc này giúp ngăn diễn tiến nặng hơn của bệnh.

Điều trị triệu chứng: Những trường hợp ngộ độc botulinum nặng cần điều trị hỗ trợ, đặc biệt là thở máy, có thể phải điều trị hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Không cần dùng thuốc kháng sinh (trừ trường hợp nhiễm độc từ vết thương).

Hiện tại chưa có vắc xin có hiệu quả phòng ngừa bệnh.

Bệnh nhân ngộ độc Botulinum điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

Đề phòng ngộ độc botulinum bằng cách nào?

  • Đóng hộp thực phẩm: tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm để hạn chế nhiễm khuẩn thực phẩm.
  • Để hạn chế nguy cơ nhiễm botulinum khi muối chua, thực phẩm chế biến cần được rửa và nấu đúng cách. Dụng cụ làm bếp, hộp đựng, cũng như những bề mặt khác khi tiếp xúc với thực phẩm, bao gồm thớt và tay người chế biến, cần phải rửa sạch kỹ với xà phòng và nước chín.
  • Bảo quản thực phẩm đúng cách.
  • Botulinum có thể làm nắp hộp trữ thức ăn cong (lồi lên hoặc phù bên ngoài) và thức ăn có mùi khác lạ. Các hộp thức ăn làm để bán hay hộp đóng tại nhà khi bị cong hay đóng rỉ sét xung quanh vành, rìa hộp thì không nên sử dụng.
  • Độc tố botulinum bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Thức ăn đóng hộp cần thiết có thể nấu sôi thực phẩm khoảng 10 phút trước khi ăn để đảm bảo an toàn.
  • Nhiễm độc botulinum từ vết thương có thể được phòng ngừa bằng cách chăm sóc ngay khi bị những vết thương nhiễm trùng và phải hỏi ý kiến bác sĩ trong việc dùng thuốc trong điều trị vết thương.
  • Giữ vệ sinh cho trẻ, tránh trẻ cho tay bẩn vào miệng. Sử dụng mật ong có chất lượng và an toàn cao cho trẻ.

Nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

https://www.bvbnd.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bình luận Facebook
Tin cùng chuyên mục
Liên kết
Bình chọn
Mục quảng cáo

Để biết thông tin chi tiết về việc quảng cáo, vui lòng liên lạc về Chi Cục An toàn Vệ sinh Thực Phẩm Đồng Nai

Điện thoại: 0251 8820775

Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 133
Tháng 03 : 9.706
Năm 2024 : 22.368